Monday, February 1, 2016

THỰC CHẤT Và HUYỀN THOẠI VỀ HỌ HÀNG NHÀ KHỈ MƯỜNG GIANG

          Khi nhc tới những nàng khỉ cái rừng xanh, thông thường chúng ra hay hình dung tưởng tượng những con khỉ ốm nhách, núp trong đám lá um tùm, bận cho con bú hay đang bắt chí rận cho đàn khỉ con và chúng chỉ xuất hiện khi cần tìm thức ăn lúc đói . Tóm lại trông chúng có vẻ ngu xuẩn trước bọn khỉ đực ma lanh, láu cá nhảy nhót tưng bừng hay đang bận rộn lo cho bầy đàn .

           Thật sự quan niệm trên ngày nay đã sai bét, vì cái mà chúng ta đã nghĩ, hoàn toàn không có trong đời sống của bất cứ loài linh trưởng nào, vì thực tế , khỉ cái là con vật hết sức thông minh, bạo dạn, mạo hiểm, tranh đua và dĩ nhiên chúng cũng giống như người, là thường bị bọn khỉ đực ức hiếp, ngoại trừ giống khỉ lùn đen Bonobo . Đó là lời phán của nữ Động Vật Học người Mỹ Sarah Blaffer Hardy trong một tác phẩm nghiên cứu nổi tiếng . Còn nữ khoa học gia người Anh là Caroline Tutin, thì bỏ cả quê hương nhung lụa đến xứ Gabon, Châu Phi lặn lội ngày đêm trong rừng thẳm hiểm nguy để tìm hiểu những bí mật của loài khỉ đột đồng bằng có tên khoa học là Gorilla Gorilla
.
          Tại Thái Lan, nhiều khách qua đường hiếu kỳ đã dừng chân lại, khi nghe tiếng cồng vang vang, nhìn lên sân đấu thưởng thức những võ sĩ bốn chân Đười Ươi đang quyết đấu quyền Anh …Nhưng có lẽ chuyện ly kỳ nhất trong thế giới Khỉ, đó là số phận của hai con khỉ Neti – Ditto, được sinh ra từ ống nghiệm của nhóm khoa học gia thuộc trường Đại Học Oregon, Hoa Kỳ .

          Tóm lại làm sao mà giải thích cho hết chuyển Khỉ trên thế giới, lúc thì như thật nhưng cũng có khi chỉ là huyền thoại, về một loài khỉ lông vàng khổng lồ bị tuyệt chủng, được khoa học gia giải thích như là một nguyên nhân xuất hiện của người rừng Sasauatch ở Bắc Mỹ, người tuyết Yeti ở Hy Mã Lạp Sơn, người Yeren ở Trung Hoa, người rừng ở Việt Nam, người Kikpmba tại Châu Phi, người Yowie ở Úc và người Almasty tại Trung Á . Như vậy thì Người là Khỉ hay Khỉ là Người ?. Chắc là cả hai cho nên không thấy ai cãi lại câu nói của Pascal : “Con người không phải là một vị thánh, cũng chẳng phải con khỉ, mà là cả hai” .

          1-Bộ Linh Trưởng :

          Khỉ nằm trong Bộ Linh Trưởng, ra đời cách đây hơn 70 triệu năm, hiện nay chúng có khoảng 200 loài khác nhau về đời sống, hình dạng cũng như trọng lượng . Trong bộ này, có loài khỉ nhỏ xíu như con chuột, nhưng có loài to lớn cân nặng trên vài trăm ký . Tuy nhiên dù ở trạng thái nào chăng nữa, thì tất cả cũng đều mang chung đặc tính là tứ chi thích ứng với sự leo trèo, cầm nắm, mắt luôn hướng về phía trước và hộp sọ tương đối lớn, trong chứa não bộ đã phát triển . Trong Bộ Linh Trưởng, nhóm ra đời đầu tiên là gia đình họ Cu-Li, sau đó mới tới Nhà Khỉ, gồm Khỉ, Đười Ươi, Vượn và Hắc Tinh Tinh .

           A- Họ Nhà Cu-Li :

          Gồm những loại sống trên cây, ngón chân có móng hay vuốt và đối diện với các ngón khác còn lại, có thể cầm nắm như người . Họ Cu-Li hiện sống nhiều tại Châu Phi và các nước Nam Châu Á, có cặp mắt to nên nhìn thấy rất rõ ràng, vì vậy nên chuyên sống về đêm . Riêng ban ngày Cu-Li thường ngủ trong các hang động, bụi cây kín đáo, khi ngủ cúng quen lấy hai tay che kín mắt, do đó người ta gọi chúng là con Cù Lần hay con Xấu Hổ . Hiện trong nhóm có loài Cilicucang (Nycticebus Coucang) Cu-Li Loris (Tardigradus) . Vượn Cáo Potto (Perodicticus) . Tất cả đều ăn hoa quả, sâu bọ, hình dạng giống Họ Vượn nhiều hơn Nhà Khỉ .

          B-HỌ NHÀ KHỈ :

          Chia làm hai nhóm rõ rệt, nhóm thứ nhất thuộc Nhóm Khỉ sống tại các khu rừng rậm, hoang vu, thuộc các nước Trung và Nam Mỹ . Các loài Khỉ này đặc biệt có chiếc đuôi rất dài, vừa có thể quấn chặt trên cây làm điểm tựa hay biến thành bàn tay thứ ba để cầm nắm . Loài Khỉ này còn được gọi là Khỉ Mũi Rộng, vì mũi của chúng, do vách ngăn bên trong rất dầy, nên hai lỗ bị lệch sang hai má . Nhiều giống Khỉ trong Nhóm này có lông lá nhiều màu, nên chúng rất kỳ dị, có con đỏ chói, có con nâu nhạt, có con bạc thếch, có con mang đủ màu sắc xanh vàng trắng đỏ hay đen thui như màu than hầm . Có con đầu sói, có con râu xồm, có con mặt mày lúc nào cũng cau có, giận hờn . Nói chung nhóm khỉ này kém thông minh lại lười biếng nên thường gây khó khăn khi được thuần chủng .
         
          Tại Á và Phi Châu, hiện có nhóm Khỉ Mũi Hẹp, vì vách ngăn mũi mỏng, nên mũi bị đẩy về phía trước . Khỉ này cũng có đuôi dài hoặc không có đuôi nhưng đuôi này không quấn được và cầm nắm . Tất cả nhóm Khỉ này đều có chung 32 cái răng như người . Chúng quen sống thành bầy đàn từ 30 con trở lên đến 100 con . Cũng có nhóm sống từng gia đình gồm vợ chồng con cái, rất ít khi sống riêng rẽ một mình cô quạnh, và dù sống như thế chúng cũng phải trở về với bầy đàn trong mùa giao phối hay sinh đẻ . Trong nhóm này, hình dáng chúng được xem là loài thú giống người nhất với thân hình nặng nề, vạm vỡ, có khả năng đi lại trên đất bằng hai chân . Não bộ rất lớn, phát triển, có thể tích từ 300-600 cm3 cho nên chúng rất dễ thuần hóa và bắt chước mau những động tác do người chỉ dạy . Loài khỉ này xuất hiện trên trái đất khoảng 20-30 triệu năm, hiện chỉ còn ba nhóm là Đười Ươi, Hắc Tinh Tinh và Khỉ Đột (Gorin) .

          -Đười Ươi : (Orangoutan), còn được gọi là người rừng, hiện chỉ còn sống nhiều tại Nam Dương . Chúng có khuôn mặt hao hao giống người nhưng sắc diện thì lúc nào cũng cau có, đăm chiêu . Loài này cổ to bành, lưng khòm, bụng phệ, cao trên 1m7 và nặng từ 60-100kg, con cái thắp nhỏ hơn . Đười Ươi đực có sức mạnh phi thường, có thể dùng đôi hàm rang bén nhọn cắn thủng vỏ dừa khô, hay chỉ với đôi bàn tay bóp vỡ đầu người dễ dàng như ta đập trứng gà vịt . Ngay cả lũ cá sấu hung ác cũng bị đười ươi dùng tay hạ dễ dàng, cho nên con người muốn bắt chúng, chỉ có cách dùng mưu kế mới hạ được mà thôi . Đười Ươi ăn các loài hoa quả, sâu bọ chim nhỏ, ngủ đêm trên tổ làm bằng lá cây, chỉ con cái chăm sóc gia đình . Câu tục ngữ : “Đười Ươi giữ ống” cũng là kinh nghiệm của những người thợ rừng, lúc nào cũng thủ sẵn đôi ống tre lồng ngoài cổ tay . Khi đụng mặt với Đười Ươi, cứ chìa cho chúng nắm hai cổ tay, ngửa mặt cười chờ tối, thì ta lẹ làng rút tay chạy nhanh mới toàn mạng .

-Hắc Tinh Tinh : Cũng rất giống người dù vóc dáng nhỏ hơn Đười Ươi . Khi đực cao trên 1m7 và nặng từ 55-75 kg, sọ có thể tích 400cm3 . Khi đi bằng chân, Hắc Tinh Tinh hay ngả về phía trước và thường sống dưới đất, chỉ leo lên cây khi ngủ . Rất thông minh, biết dùng sào hái dừa hay dùng cây thọc vào hang mối để bắt mối . Hiện sống nhiều tại các nước Châu Phi xích đạo, đây là loài khỉ được nuôi dạy và nghiên cứu nhiều nhất trong phòng thí nghiệm, cùng với loài Khỉ Lùn Bonobo, theo chế độ mẫu hệ .

-Khỉ Đột (Gorilla Gorilla), là loài khỉ lớn nhất trong 12 họ Khỉ thuộc Bộ Linh Trưởng, con đực cao từ 1m8 đến 2m, nặng từ 200-250 kg, con cái nhỏ chỉ bằng nửa con đực . Loại này có bộ lông rất rậm, thường màu đen, hai tay rất dài với bắp thịt cuồn cuộn mạnh khỏe . Đầu khỉ to nhưng trán hẹp, hộp sọ có thể tích 600cm3, vành tai nhỏ , hàm bành và khuôn mặt lồi . Loài này hiện chỉ còn sống ở Châu Phi, chúng hợp thành đàn rất đông, do nhiều gia đình tập hợp lại dưới quyền chỉ huy của một con Khỉ đực chúa . Hiện chỉ còn một loài chính và 7 loài phụ, sống trong 7 vườn quốc gia của các nước Châu Phi, có nhiệm vụ bảo vệ chúng khỏi bị tuyệt chủng vì nạn săn bắn bừa bãi .

          Cũng trong họ nhà Khỉ còn thấy Khỉ Nhện (Ateles Paniscus) hình vóc bé nhỏ từ 12-70cm, họ hàng có tới 11 giống, 29 loại sống trong rừng rậm ở Nam Mỹ . Khỉ Chó (Mandrillus Sphinx) kích thước 1m, nặng 40kg, đuôi ngắn đo chừng 0,07m gồm có 2 giống là khỉ đầu cho và khỉ mõm chó sống tại Châu Phi, họp thành đàn, thường kéo về các đồn điền thôn xóm gần rừng phá hoại mùa màng . Khỉ Bay (Colobus Badius), có thân mình dài từ 40-70cm, đuôi dài hơn thân, đặc biệt hai bên sườn có hai bờm lông dầy rậm, làm thành 2 vạt áo, từa tựa như 2 cánh chim, giúp khỉ có thể bay trong không trung một khoảng cách đáng kể . Loại này chỉ còn tại Châu Phi, họp thành bầy chừng vài chục con, sống trên cây và săn mồi về đêm .

-Khỉ Vàng (Macana), là giống khỉ sống nhiều nhất tại VN, cơ thể dài từ 30-70cm, tứ chi ngắn nhưng khỏe, lông rậm màu nâu vàng, hai bên má có túi để chứa thức ăn, đít chai đỏ vì chỉ ngồi . Khỉ này hiện còn 12 loài, sống tại Đông Nam Á, Phi Luật Tân, Nam Dương, Mã Lai, Âu và Phi Châu, thành từng đàn đông đảo có khi lên tới vài trăm con, ăn hoa quả sâu bọ và chim chóc . Tại Ấn Độ hiện chúng có độ 40 triệu con, được xem như thần thánh ngang với bò, nên không ai dám đụng tới, mặc cho chúng tàn phá mùa màng một cách nghiêm trọng .
-Khỉ Chimpandre : Trong gia đình Khỉ có nhiều loại giống người, nhưng giống nhất từ hình dạng cho tới sinh lý, vẫn là loài khỉ Chimpande . Loài khỉ này không đuôi, hai bàn tay và chân đều có ngón cái . Cánh tay khỉ rất dài, không đuôi, da mặt xám hồng, hai lỗ tai to và vểnh, lông dầy đen, trán nhỏ, mũi hếch . Khỉ đực cao trên 1m70 nặng 70 kg, trong khi khỉ cái nặng chừng 60kg cao 1m30 .
Đặc biệt máu của nhóm này cũng giống như máu người gồm có 4 loại A,B,A+B và O . Khỉ sống chừng 55 năm, ăn quả hạt, côn trùng, rất thông minh so với các loài khỉ khác trong Bộ Linh Trưởng . Khỉ này sống thành từng đàn, mang thai từ 8 đến 9 tháng, nhưng về kinh nguyệt, khỉ cái mỗi lần kéo dài tới 35 ngày . Khỉ cái có tình mẫu tử rất sâu đậm, thương mến và dạy dỗ khỉ con giống như tình người, tới 4 tuổi, khỉ mẹ mới bắt đầu có con kế tiếp .

          C-Họ Vượn :

          Loài Vượn (Hylobatrs), thuộc Họ Vượn (Hylobatidae) có dáng dấp trung bình, thích nghi với đời sống trên cây, là con vật trung gian giữa Nhà Khỉ và Đười Ươi . Loài Vượn có tay dài nhưng chân lại ngắn, vì vậy trong đời vượn hầu như chỉ sử dụng hai tay mà thôi . Hiện còn 6 loài Vượn sống tại các nước Đông Nam Á, trong đó có loài ợn Đen thường xuất hiện trên vùng núi cao . Vượn đực có lông đen, còn con cái thì lông màu vàng đậm, ăn hoa quả sâu bọ, sống thành từng đàn đông đúc, do nhiều gia đình vượn hợp thành gồm vợ chồng con cái giống như con người .

-Voọc hay Vẹc, thường sống chung với loài khỉ lông vàng . Loài này lông lá rậm rạp, trên đỉnh đầu có một bờm lông dựng đứng, tính tình khoan thai trầm mặc như một nhà hiền triết, hiện còn 14 loài, trong số này có 2 sống tại VN nhưng cũng sắp bị tuyệt chủng vì nạn săn bắn bừa bãi, đó là Voọc Bông Lau hay Cà Vác (Presbytis Alunculus) sống ở Bắc Việt và Voọc Quần Trắng hay Con Càng (Prsbytis Francoici) sống khắp VN . Riêng trong nhà Vượn, hiện còn giống Vượn Đen Lục, Vượn Lar, Vượn Đen tay dài …

         2-KH : THỰC CHẤT VÀ HUYỀN THOẠI :

-Tủ Thuốc Gia Đình Của Khỉ :
          Theo Richard Wrangham giáo sư tại Đại Học Havard Hoa Kỳ thì loài khỉ biết rõ những gì chúng làm, nhất là trong việc sử dụng cây lá như là một tủ thuốc thiên nhiên . Loài Hắc Tinh Tinh đã biết dùng lá cây Aapilla, một loại hoa Hướng Dương để trị bệnh giun sán trong ruột vì lá này có chứa chất Thiarubrine A, có khả năng giết được vi khuẩn, nấm mốc và các loại ký sinh trùng. Theo nghiên cứu mới đây, dược chất trên còn có tác dụng trị được tế bào ung thư của khối u trong phổi và ngực. Loài Khỉ Hét (Howling Monkey) ở Costa Rica, Trung Mỹ bị bệnh loét mũi, chúng đã phải nếm đủ loại lá cây để trị lành bệnh, nhiều con chẳng may phải chết vì trúng độc. Thuốc tương ứng, sẽ được khỉ cha mẹ truyền nghề lại cho con cái về sau .

          Về các loại thuốc dành cho các sản phụ, loài Khỉ Hét đã biết dùng thuốc để sinh con đực hay cái do ý muốn. Ta biết trong thế giới động vật hữu nhũ, người cũng như bộ linh trưởng, tế bào trứng có thể sống rất lâu trong một môi trường acid, trước khi có sự giao hợp thụ thai. Khỉ Hét chỉ ăn thứ lá này, trong khi muốn làm tình mà thôi. Theo các nhà khoa học, từng theo dõi nghiên cứu loài khỉ, đã kết luận rằng, chính thứ lá cây trên đã gây phản ứng acid hóa nơi tử cung, tạo điều kiện cho sự thụ thai theo ý muốn. Xét về mặt tâm lý, việc Khỉ Hét muốn có trai hay gái cũng là một trạng thái tâm sinh lý, tùy theo hoàn cảnh nhu cầu xã hội, đâu có khác gì ước muốn của con người khi cần .

          Cuối cùng theo nghiên cứu. Khỉ cái đôi khi cũng tự triệt sản khi ân ái, cũng bằng một thứ lá, mang một hỗn hợp acid, làm con cái tiết ra chấtestrogen cản trở sự điều tiết dung dịch hormone, làm sẩy thai hay chết yểu khi vừa tượng hình. Có điều đáng khen là loài linh trưởng không bao giích kỷ trong việc tìm kiếm, phân chia thức ăn hay dấu nhẹm sự hiểu biết về những phát minh thuốc men trị bệnh. Riêng loài khỉ Châu Phi, theo giáo sư Michad Hyfwan tại đại học Tokyo, đã biết dùng vỏ cây Veronia cũng để trị bịnh giun sán, chính người địa phương đã bắt chước khi dùng vỏ cây trên để chữa bệnh ký sinh trùng .

-CHẾ ĐỘ MẪU HỆ CỦA KHỈ BONOBO :
          Trong họ hàng nhà Khỉ, không thiếu gì loài khỉ đực rất dã man và vũ phu đối với khỉ cái, điển hình loại này phải kể tới Khỉ Đột Đực (Gorilla), có thể quật chết các khỉ con đang bu theo khỉ mẹ, để cô nàng rảnh nợ phục vụ cho hắn, hoặc các chàng Đười Ươi đực (Orangutans) sẵn sàng tay đấm chân đá người tình, nếu bị từ chối . Riêng trong bầy đàn Hắc Tinh Tinh, giống khỉ sống đa thê, thì cảnh chiến tranh nóng dành gái luôn luôn được phô trương lực lượng, hoặc để bảo vệ vợ con nàng hầu hay cướp bóc thêm người đẹp của kẻ khác. Thế nhưng qua các cuộc nghiên cứu mới đây, thì cái tình trạng vợ lớn, vợ hầu, đánh nhau dành gái, đánh đập phụ nữ trẻ con trong xã hội của loài Khỉ Bonado hầu như chẳng bao giờ thấy có, dù xếp chúa trong bầy cũng vẫn do Khỉ Đực nắm giữ .
          Theo tác phẩm “Demonic Males” (Giống Đực Điên Loạn) của hai nhà Nhân Chủng Học Richard Wrangham và Khoa Học Gia Dale Peterson chung soạn, thì sở dĩ được như vậy, là do khỉ cái trong xã hội Bonobo thiết lập, vì chính chúng là những con vật đồng tính luyến ái, nhưng biết tự kết đoàn gây sức mạnh trong giống cái, bảo vệ lẫn nhau khi bị hiếp đáp và đe dọa, cho nên các chàng đực rựa đã bị cô lập hay trừng phạt khó nổi máu du côn bạo hành vợ, người tình hay những khỉ cái khác trong bầy đàn cùng bọn. Trước năm 1928, khỉ Bonobo được xếp chung trong họ nhà Hắc Tinh Tinh như là loài khỉ phụ của nhóm này . Năm 1970, nhờ nhà Động Vật Học Nhật là Takayoshi Kano, sau nhiều chục năm theo dõi nghiên cứu chúng đã kết luận Khỉ Bonobo hoàn toàn khác biệt với loài Hắc Tinh Tinh từ tập tính, cách sống xã hội, chúng là một nhóm riêng biệt như Hắc Tinh Tinh trong Bộ Linh Trưởng . Khỉ Bonobo ăn tạp gì cũng được, kể cả vỏ và cành cây khi đói, nên đối với loài khỉ này, thực phẩm không phải là vấn đề quan trọng, do trên khỉ cái thấy không cần thiết lắm khi nhờ khỉ đực lo lắng đời sống gia đình . Tuy nhiên dù là một xã hội mẫu hệ nhưng khỉ cái Bonobo rất trung thành với chồng con .

          Về sinh lý, loài khỉ này cũng độc đáo vì chúng yêu nhau trong tư thế mặt đối mặt như con người, biết ôm choàng âu yếm, vuốt ve tình tứ qua anh mắt biểu lộ sự âu yếm tình tứ mê ly và trên hết là yêu nhau suốt bốn mùa tám tiết, chứ không theo một chu kỳ như nhiều loài khỉ khác cùng bộ linh trưởng .

-TINH TINH HIỂU ĐƯỢC TIẾNG NGƯỜI :
          Ngày 20-4-1995, tại trung tâm nghiên cứu ngôn ngữ thuộc viện đại học Georgia Hoa Kỳ, một chuyện lạ đời đã xảy ra, khiến cho không ai có thể ngờ được đó là chuyện con khỉ lùn Bonobo tên Kanzi có thể nghe và hiểu được tiếng Anh, đang làm trọng tài cho nữ tiến sĩ Sue Savage Rumbaugh (Thầy của con khỉ trên), chơi trò rượt bắt với một phóng viên người Gia Nã Đại .

          Đó là một con khỉ thuộc loài Bonobo, mà các nhà khoa học quen gọi là Tinh Tinh Lùn, loài khỉ hiền, hiện sống trong rừng nhiệt đới Zaire, Châu Phi, còn khoảng 10.000 con và đang có nguy cơ tuyệt chủng . Cổ họng của khỉ Bonobo khác với con người vì thanh quản ở một vị trí rất cao, trong khi lưỡi lại nhỏ nên không thể phát âm thành âm tiết . Trường hợp này cũng giống như cách dạy người mù bằng phương pháp chữ nổi. Do trên, phải huấn luyện khỉ hiểu ý người bằng đồ hình với 265 vật vẽ cần thiết cho cuộc sống sơ khai . Theo nhà tâm lý học Shelly, qua các kinh nghiệm thu thập của những người đi trước, thì loài khỉ như Bonobo, có thể bắt chước người qua cách huấn luyện bằng hệ thống từ biểu tượng, tức là thầy phải trực tiếp hòa mình vào đời sống của khỉ, vừa dạy vừa nói vừa thi hành trước mắt chúng những hành động có trên biểu tượng, kết quả năm 1995, con khỉ Bonobo nói trên, không cần đồ hình đã có thể làm theo lệnh chủ .

          Hiện nay người ta đang tiến tới giai đoạn huấn luyện khỉ điện tử . Tiếng nói của chúng sẽ phát ra theo nút bấm . Công lao to lớn của những người trên là đã chứng minh rằng các loài vật có tiến hóa cao như Khỉ chẳng hạn, có thể thu nhận một phần ngôn ngữ thô thiển của con người . Quá khứ đã chứng minh loài Dã Nhân có ý thức khi nhận chính mình trong gương hay tự chế được một vài dụng cụ . Ngôn ngữ chính là thành lũy cuối cùng để phân biệt người và thú, thế nhưng từ 10 năm qua, các nhà khoa học đã làm lung lay bức tường đó, khi khỉ được huấn luyện, đã bước vào trong thế giới tìm hiểu ngôn ngữ của con người .

-CLONING, SẢN PHẨM TẠO THÀNH HAI CON KHI NETI VÀ DITTO :

          Việc con cừu Dolly làm thế giới chấn động chưa tỉnh hồn, thì một tuần sau, viện khảo sát loài linh trưởng tại Đại Học Oregon Hoa Kỳ càng làm cho người ta sửng sốt hơn, khi cho ra đời 2 con khỉ Neti và Ditto . Tuy nhiên giữa hai loài vật nhân tạo trên vẫn có sự khác biệt vì cừu Dolly là động vât/ được tạo ra bằng chính tế bào da thịt của nó, còn hai con khỉ lại là sản phẩm do kỹ thuật Cloning, lấy từ cái phôi đã tượng hình, tức là chúng được sinh sản y hệt như cặp sinh hai sinh ba .

          Đây là kỹ thuật gieo cấy nhân trong phôi cũ kỹ trước đây qua danh từ Nucker Embryo Tranfer Infant, đã được dùng để tạo ra cừu, bò, lợn và cả con người. Tuy nhiên về người, thì các nhà khoa học đã hủy bỏ Clones của phôi, vì vậy Dolly vẫn là sản phẩm duy nhất giống mẹ vì được tạo ra từ tế bào . Riêng trong sản phẩm Cloning, kỹ thuật gieo cấy sinh học của phôi, đã làm cho con người run sợ vì các kỹ thuật gia nhân đó, có thể sinh gà thành cuốc, hay nói đúng hơn thấy vậy mà không phải vậy, khi một tác phẩm đã bị sao chép thành nhiều bản . Mặc dù bị nhạo bang trên báo chí như tờ Proceeding of the National Academy of Sxience, nhưng tác giả của hai con khỉ trên là tiến sĩ Balaban vẫn tĩnh bơ trước chuyện gà hóa cút, đến nỗi Tổng Thống Bill Clinton phải ra lệnh cấm chỉ thử nghiệm Cloning, nhưng người Mỹ đã muốn thì ai cấm được ?.

-KHỈ ĐỘT VÀ TINH TINH :

          Trạm nghiên cứu Tinh Tinh và Khỉ Đột LOPE được Trung Tâm Quốc Tế Nghiên Cứu Y Học Franceville, thành lập từ nhiều năm qua, là một trung tâm lớn nhất tại Phi Châu, chuyên nghiên cứu các loài khỉ lớn như hắc tinh tinh, khỉ đột đồng bằng, để tìm ra phương thức chữa trị các bệnh của con người tại đây như bệnh AIDS, sốt rét, giun chí, buồn ngủ, nhiễm virus Ebola …do nữ khoa học gia Caroline Tutine điều khiển . Nhờ công trình này, người ta đã phát hiện được nhiều tập tính riêng biệt giữa hai loài khỉ lớn nhất hiện nay là Hắc Tinh Tinh và Khỉ Đột đồng bằng, trong một môi trường sinh sống tự do của chúng giữa thiên nhiên chứ không ở sở thú hay chuồng trại .

          Suốt 12 năm, trung tâm đã theo dõi hơn 64 ngàn Hắc Tinh Tinh và 35 ngàn Khỉ Đột trong rừng rậm nước Gabon, đã chứng minh được khỉ đột có thể sống mạnh khỏe tại các khu rừng nguyên sinh, đặc biệt chúng không thích gần người và thường có những cử chỉ đe dọa khi chạm mặt . Khỉ đột và hắc tinh tinh ngủ trên cây khi trời vừa tối, tinh tinh ngủ cây cao hơn 40m, còn khỉ đột thì ngủ gần mặt đất, mỗi con ngủ riêng một chỗ trừ khi con chưa cai sữa vẫn ngủ chung với khỉ mẹ. Buổi sáng trước khi rời chỗ ngủ, chúng thường bài tiết phân. Trong sự ăn uống, khỉ đột gần giống hắc tinh tinh .

          Khỉ đột đồng bằng sống rầy đây mai đó, ăn rau c, gia đình chỉ vợ chồng con cái rất thủy chung, khỉ con ra riêng lúc 10 tuổi . Hắc tinh tinh thì sống theo bầy đàn từ 30-100 con, gồm các khỉ đực và cái đồng trương lứa, sức nặng, ăn trái biết bỏ hột, còn khỉ đột thì nuốt hết vỏ lẫn hột và ăn rất nhanhKhỉ đột sống vì gia đình con cái, còn Hắc tinh tinh thì con đực vô trách nhiệm, tất cả do con cái chăm sóc con cái nhưng trong loài này dường như không có tình mẫu tử như những loài khỉ khác. Tóm lại, khỉ đột và hắc tinh tinh ăn uống cùng loại sống gần nhau vẫn  không hề xung đột nhưng  môi trường xã hội của hai giống khỉ này thì khác biệt hoàn toàn .

-HUYỀN THOẠI VỀ KHỈ NGƯỜI :

          Sau cùng là câu hỏi " có hay không loài Dã Nhân ?". Nguyên do là từ mấy chục năm qua, đã xuất hiện các danh từ như Almasty. Albasty. Barmanu, Basajaun .. đều dành để chỉ một giống khỉ người (Dã Nhân) đi hai chân, lông lá đầy mình, đầu tiên phát hiện tại rặng Himalaya, sau đó huyền thoại lan dần khắp thế giới . Chưa ai thấy được chúng nhưng các khoa học gia thì vẫn cắm cúi đi tìm sự thật và sau đó đã bảo chúng là Người Tuyết Yeti . Nhân vật này được Đại tá người Anh là HoHoward Bury phát hiện năm 1921 trên đỉnh núi Everest bằng ống dòm . Lúc đến nơi thấy nhiều dấu chân to lớn . Sau này các nhà khoa học đã lên đến tận nơi để tìm kiếm nhưng bặt tin . Tuy vậy vẫn suy luận .  “Người Tuyết Yeti” có thể là con cháu của loài linh trưởng Sivathipeque, sống cách đây 5 triệu năm hay là hậu duệ của Vượn Người (Gigantopitheque, tuyệt chủng cách đây hơn một triệu năm .

-ALMASTY : NGƯỜI VÚ DÀI Sống trên những vùng núi Caucase thuộc Liên Xô cũ . Theo lời đồn, Dã Nhân này có thân hình khổng lồ đầy lông lá, không cổ, không cằm, lông mày hình lưỡi trai, cặp mắt sáng như lửa trong đêm tối . Con cái có cặp vú dài tới đầu gối, biết rống . Từ 30 năm nay, nữ Bác Sĩ Marie Jeanne Koffman đã dầy công tìm kiếm và đã kết luận, đây là sinh vật Khỉ Người, thuộc nhóm Nendertal có mắt đỏ để sống về đêm, còn đôi vú dài thì cho con bú khi cõng chúng sau lưng .

-NGƯỜI RỪNG YEREN : Cũng là lời đồn, Người Rừng ở Trung Cộng giống như Người Tuyết có thân hình cao to trên 2m, tóc dầy, hiện chưa có người nào bị bắt . Năm 1981, nhà Nhân Chủng Học Mỹ, Franck Poirter tới nơi nghiên cứu và đã kết luận, đó là Người Khỉ nhưng không biết đang sống lén lút ở đâu .

-NGƯỜI CHÂN TO : Đây là một sinh vật gọi là BIGFOOT, hình dạng khổng lồ, lông lá đầy mình, đi bằng 2 chân, từ lâu là mối lo sợ cho dân chúng vùng Bắc Mỹ. Mặc dù năm 1967 Roger Patterson may mắn đã chụp được nhiều hình người khổng lồ chân to, thế nhưng chẳng ai tin đó là sự thật .

-KIKOMBA : Vào năm 1948 tại Congo, Phi Châu, một người Thụy Sĩ tên Charles Cordier tình cờ phát hiện một khỉ dạng người chạy ngang qua đường . Người địa phương gọi là Kikpmba, hình dáng béo tròn, không lông ăn thịt cá và mật ong .
Nó có bộ tóc dài phủ trên gương mặt nhô hàm răng và đôi lông mày rậm, dân địa phương rất sợ, còn người phương Tây thì suy luận, đây là loại trung gian giữa khỉ và người .

          Tóm lại trong tất cả các loài thú sống ở rừng, có lẽ khỉ là con vật tinh khôn nhất . Chúng đã biết thiết lập một xã hội, trong đó có đầu đàn vẫn là một con đực to lớn, tinh khôn có sức khỏe, có khả năng kiểm soát và chỉ huy tất cả, thống trị thần dân phải sống trong một kỷ luật nghiêm khắc ngặt nghèo . Nó là linh hồn quyết định sự sống của cả bầy, ra lệnh rút lui hay chỉ huy chống đỡ kẻ thù lúc nguy hiểm do người hoặc đồng loại gây ra .
          Rừng VN xưa nay có nhiều khỉ sinh sống, nhưng hiện nay chúng đang có nguy cơ bị tuyệt chủng vì nhiều lý do, trong đó có tệ nạn săn bắn và phá rừng đốn cây bừa bãi vô trách nhiệm qua sự đồng tình của kẻ đương quyền. Theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc thì 21/25 loài thú trong bộ linh trưởng ghi trong sách đỏ có nguy cơ bị tận diệt tại xã nghĩa VN . Từ sau tháng 5/1975, đất rừng càng ngày càng bị thu hep. Môi trường sinh thái cũng theo hoàn cảnh mà biến mất, khiến cho các thú rừng càng lúc càng gần gũi với con người hơn . Trong số này Khỉ là loài thú bị ghét nhất vì hay phá hoại mùa màng, vườn tược nhất là tại cao nguyên và các thôn làng gần rừng núi . Ngày nay giết khỉ, vượn, voóc chẳng những cho bỏ ghét mà còn có thịt ăn, bán và nhất là món xương rất có giá, bán sang Trung Cộng, Đài Loan, Tân Gia Ba, Thái Lan hay nơi nào có chú Ba, để chế nấu cao, hầu mật, hầu huyết linh và món óc khỉ mà trước đây Từ Hy Thái Hậu đã bầy ra để đãi sứ thần ngoại quốc tại Bắc Kinh . Khỉ chết thì cho các quán thịt rừng, khỉ sống thì mang về bán cho vựa thú để hoặc bán nuôi làm cảnh hay xuất biên hoặc bị gọt sọ để ngườI ta ăn óc sống .

          Nay thêm một lần nữa năm con Khỉ lại tới, để cho mọi người cùng nhau nhớ về Tết Mậu Thân 1968 mà vết nhơ muôn đời trong lịch sử vẫn là vụ VC tàn sát dã man đồng bào tại cố đô Huế, ngoài ra năm con Khỉ, cũng sẽ làm cho mọi người VN trong và ngoài nước hy vọng qua bài sấm của Trạng Trình  Nguyễn Bỉnh Khiêm, cách đây hơn 500 năm :

" Long Vỹ, Xà Đầu khởi chiến chinh
Can qua hà xứ khắp đáo binh
Mã tiền, dương cước, anh hùng tận
Thân-Dậu, niên lai kiến thái bình

Xóm Cồn Hạ Uy Di
Cuối năm 2015
MƯỜNG GIANG

Tài Liệu Tham Khảo :
-Thế giới động vật
-Sách báo VN và Ngoại Quốc
-Mười hai con giáp..

No comments:

Post a Comment